Lịch sử hoạt động USS_Bluefish_(SS-222)

1943

Sau khi hoàn tất việc chạy thử máy huấn luyện ngoài khơi New London, Connecticut và sửa chữa sau chạy thử máy, Bluefish chuẩn bị để được điều động sang khu vực Mặt trận Thái Bình Dương. Nó rời Căn cứ Tàu ngầm New London vào ngày 21 tháng 7, 1943, và trình diện để phục vụ cùng Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm 72 sau khi đi đến Brisbane, Australia vào ngày 21 tháng 8,[1]

Chuyến tuần tra thứ nhất

Rời Brisbane vào ngày 9 tháng 9 cho chuyến tuần tra thứ nhất tại khu vực biển Đông,[13] vào ngày 25 tháng 9, Bluefish phóng ngư lôi đánh trúng và gây hư hại cho chiếc tàu buôn Nhật Bản Akashi Maru (3.228 tấn) trong biển Flores, tại vị trí về phía Đông Nam Celebes tại Đông Ấn thuộc Hà Lan. Đang khi đuổi theo Akashi Maru, nó phóng ngư lôi đánh chìm tàu phóng lôi Kasasagi (595 tấn) vào ngày 27 tháng 9 tại vị trí 25 nmi (46 km; 29 mi) về phía Nam Celebes, rồi phát hiện và kết liễu Akashi Maru hai ngày sau đó tại vị trí về phía Bắc Wetar.[12]

Chuyến tuần tra thứ hai

Rời Fremantle, Australia vào tháng 10 cho chuyến tuần tra thứ hai tại khu vực biển Đông,[13] vào ngày 8 tháng 11, Bluefish đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu chở dầu Kyokuei Maru (10.570 tấn) trong biển Đông. Đến ngày 18 tháng 11, nó lại phóng ngư lôi đánh chìm chiếc tàu khu trụcSanae và gây hư hại cho chiếc tàu tiếp dầu Ondo (14.050 tấn) trong biển Celebes, khoảng 90 nmi (170 km; 100 mi) về phía Nam đảo Basilan.[12]

1944

Chuyến tuần tra thứ ba

Rời Fremantle vào tháng 12, 1943 cho chuyến tuần tra thứ ba tại khu vực biển Đông,[13] vào ngày 30 tháng 12, Bluefish đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu tiếp dầu Ichiyu Maru (5.061 tấn) trong biển Java, rồi sang ngày 3 tháng 1, 1944 đã rải thủy lôi dọc theo bờ biển Malaya thuộc Anh. Khi phối hợp với tàu ngầm chị em Rasher (SS-269) để tấn công một đoàn tàu vận tải ngoài khơi Đông Dương thuộc Pháp, nó đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu chở dầu Hakko Maru (6.046 tấn) vào ngày 4 tháng 1.[12]

Chuyến tuần tra thứ tư

Rời Fremantle vào tháng 2 cho chuyến tuần tra thứ tư tại khu vực biển Đông,[14] vào ngày 4 tháng 3, Bluefish đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu tiếp dầu Ominesan Maru (10.536 tấn) trong biển Đông ở vị trí khoảng 300 nmi (560 km; 350 mi) về phía Tây Miri, Sarawak.[12]

Chuyến tuần tra thứ năm

Rời Fremantle vào tháng 5 cho chuyến tuần tra thứ năm tại khu vực biển Celebes,[15] vào ngày 16 tháng 6, Bluefish đã đánh chìm tàu buôn Nanshin Maru (1.422 tấn) trong biển Celebes về phía Tây Nam Tarakan, Borneo. Đến ngày 21 tháng 6, nó tiếp tục đánh chìm tàu vận chuyển Kanan Maru (3.280 tấn) ở lối tiếp cận phía Nam đi vào eo biển Makassar.[12]

Chuyến tuần tra thứ sáu

Trong chuyến tuần tra thứ sáu xuất phát từ Fremantle vào tháng 7 và kết thúc tại Trân Châu Cảng,[16] vào ngày 14 tháng 8, Bluefish đã đánh chìm tàu chở dầu Shinpo Maru (5.135 tấn), vốn đã bị tàu ngầm chị em Puffer (SS-268) gây hư hại hai ngày trước đó ngoài khơi đảo Golo thuộc Looc, Philippines. Sang ngày 19 tháng 8, nó tấn công Đoàn tàu Hi-71, đánh chìm tàu tiếp dầu hạm đội Hayasui (18.300 tấn) ở vị trí khoảng 80 nmi (150 km; 92 mi) về phía Tây Bắc Bolinao, Pangasinan, đồng thời gây hư hại cho chiếc Awa Maru (11.249 tấn) tại tọa độ 17°36′B 119°38′Đ / 17,6°B 119,633°Đ / 17.600; 119.633.[12]

1945

Chuyến tuần tra thứ bảy và thứ tám

Rời Trân Châu Cảng vào tháng 2, 1945 cho chuyến tuần tra thứ bảy, Bluefish hoạt động dọc bờ biển các đảo chính quốc Nhật Bản;[17] rồi tiếp nối bằng chuyến tuần tra thứ tám xuất phát từ Trân Châu Cảng vào tháng 4 và kết thúc tại Fremantle,[18] cả hai chuyến tuần tra đều không tiêu diệt được mục tiêu nào.

Chuyến tuần tra thứ chín

Bluefish rời Fremantle vào tháng 6 cho chuyến tuần tra thứ chín tại khu vực biển Đông.[19] Vào ngày 15 tháng 7, sau khi tàu ngầm Blower (SS-325) phóng trúng hai ngư lôi vào một tàu ngầm đối phương đang đi trên mặt nước nhưng không kích nổ, Bluefish đã tiếp tục truy đuổi và đánh chìm được tàu ngầm Nhật I-351 (2.650 tấn) trong biển Đông ở vị trí khoảng 100 nmi (120 mi; 190 km) về phía Đông-Đông Bắc đảo Natuna Besar ngoài khơi Borneo, ở tọa độ 04°30′B 110°00′Đ / 4,5°B 110°Đ / 4.500; 110.000. Nó vớt được ba người sống sót từ chiếc I-351.[20] Bốn ngày sau đó, nó đánh chìm một tàu săn ngầm nhỏ bằng hải pháo về phía Đông đảo Sumatra, Đông Ấn thuộc Hà Lan, tại tọa độ 00°04′B 105°08′Đ / 0,067°B 105,133°Đ / 0.067; 105.133.[12]

Sau khi Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vào ngày 15 tháng 8, giúp chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột, Bluefish quay trở về Hoa Kỳ, đi đến Xưởng hải quân Philadelphia vào ngày 9 tháng 10. Con tàu được đưa về thành phần dự bị, rồi chuyển đến Căn cứ Tàu ngầm New London vào ngày 31 tháng 10. Sau đó nó được kéo đến xưởng tàu Electric Boat Co. tại Groton, Connecticut để sửa chữa, rồi quay trở lại New London vào ngày 12 tháng 6, 1946 và được cho xuất biên chế vào ngày 12 tháng 2, 1947.[1][11][12]

1952 - 1953

Bluefish được cho tái biên chế trở lại tại Căn cứ Tàu ngầm New London vào ngày 7 tháng 1, 1952,[1] [11][12] và trình diện để phục vụ cùng Đội tàu ngầm 82 trực thuộc Hạm đội Đại Tây Dương. Nó đi đến Key West, Florida vào ngày 7 tháng 4, được điều sang Đội tàu ngầm 41 từ ngày 11 tháng 4, và hoạt động tại chỗ và huấn luyện dọc theo bờ biển Florida và vùng biển Caribe cho đến tháng 5, 1953. Đi đến Xưởng hải quân PortsmouthKittery, Maine vào ngày 7 tháng 6, nó được đại tu để chuẩn bị ngừng hoạt động, rồi được cho xuất biên chế lần sau cùng vào ngày 20 tháng 11, 1953.[1][11][12] Tên nó được cho rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 1 tháng 6, 1959,[1][11][12] và con tàu bị bán để tháo dỡ vào ngày 8 tháng 6, 1960.[11][12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: USS_Bluefish_(SS-222) http://www.combinedfleet.com/I-351.htm http://pigboats.com/ww2/bluefish.html http://www.ibiblio.org/hyperwar/Japan/IJN/JANAC-Lo... http://www.navsource.org/archives/08/08222.htm //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... https://www.history.navy.mil/research/histories/sh... https://uboat.net/allies/warships/ship/2968.html https://web.archive.org/web/20050526220605/http://...